Được mệnh danh là “Thiên cổ đệ nhất trà”, là loại trà tinh tế nhất của Việt
Nam, các nước khác trên thế giới không có được. Nguyên liệu trà được dùng là
những búp trà cổ thụ mọc trên núi cao, mỗi năm chỉ hái được 4 lần vào 4 mùa
xuân, hạ, thu, đông. Trà sau khi đã chế biến phải bỏ vào hũ sành ủ từ 3-4 năm,
sau đó mới đem ra ướp với hoa sen. Hoa sen để ướp với trà cổ thụ này phải là
những bông sen hàm tiếu ở Hồ Tây – Hà Nội. Để ướp được 1kg trà cần dùng khoảng
1.400 bông sen tươi. Khi ướp trà, chỉ tách lấy nhụy sen (gạo sen) để ướp. Cứ một
lớp trà mỏng, rồi một lớp gạo sen xếp đầy hũ sành nhỏ, sau đó đem ủ trong một
căn phòng kín và ấm trong 3 ngày, rồi lại sàng gạo sen cũ đi, sấy khô trà và lại
tiếp tục ủ với gạo sen mới. Cứ làm như vậy khoảng 7 lần thì mới được một mẻ trà
sen. Mỗi lần ướp không quá 3 kg trà.
Thời nay, khẩu vị của người thưởng trà có đôi chút thay đổi, họ còn muốn
thưởng thức thêm cả vị chát nhẹ của trà lẫn với hương sen thơm ngát. Để chiều
lòng khách người làm trà ướp sen trên nền trà Tân Cương Thái Nguyên, trà chỉ cần
xao khô là có thể ướp gạo sen vào.
Cái tinh túy nhất của trà sen chính là nghệ thuật thưởng trà, từ xa xưa,
thưởng trà được coi là thú vui tao nhã của các bậc văn nhân, danh sĩ, người xưa
tặng nhau 1,2 ấm trà sen gói vào giấy điều đỏ là đã thấy hết tình cảm tri ân
trong đó. Vì trà sen không chỉ quý bởi quy trình làm trà rất kỳ công và tinh tế
mà trà sen còn mang giá trị vật chất lớn so với một thú chơi. Mỗi cân trà sen
còn tính bằng vàng. Bởi vậy, khi đến nhà phàm là những khách tri âm, tri kỷ họ
mới mời nhau một chén trà sen.
Trà sen Tây Hồ khi pha ra nước có màu hơi vàng như mật ong, sánh, thoang
thoảng hương sen tinh khiết như hoa vẫn đang nở trên hồ trong mùa sen rộ. Nhấp
một ngụm trà, cảm nhận rõ sự sảng khoái lan tỏa, như đang ngồi trước một đầm sen
mênh mang gió. Trà sen Tây Hồ pha đến khi nước đã trắng, thì hương sen vẫn cứ
vương vít không rời.